Bloom’s taxonomy

4 minute read

Thử chọn xem bạn thích làm bài kiểm tra nào nhất nhé.

  1. Hãy kể những tháng có 31 ngày trong năm.
  2. Mô tả cách quay Trái Đất quay quanh Mặt Trời và vẽ hình minh họa vì sao một năm lại có 4 mùa.
  3. “Sự nóng lên toàn cầu không liên quan đến hoạt động của bão nhiệt đới.” Biện luận ủng hộ và phản đối về nhận định trên.
  4. Đánh giá tác động của quá trình chọn lọc tự nhiên lên sự đa dạng sinh học, đưa ra ví dụ nếu cần.
  5. Đánh giá tác động tích cực và tiêu cực của đúng đắn chính trị (political correctness) lên sự tự do sáng tạo nội dung trên các nền tảng số hiện nay.
  6. Nhà khoa học có nên tham gia vào chính trị không? Phân tích cả hai hướng tiếp cận và đưa ra nhận định cá nhân.

Ừ, đúng là thứ tự các câu hỏi tăng dần theo bậc thang tư duy trong hình. Câu đầu chỉ yêu cầu bạn nhớ kiến thức, câu thứ 2 cần bạn nhớ và cả hiểu tác động của ánh sáng Mặt Trời, trục quay của Trái Đất, quỹ đạo Trái Đất lên lượng nhiệt mỗi vùng nhận được trong năm, từ đó áp dụng để giải thích hiện tượng 4 mùa. v.v.

Các câu sau đấy đòi hỏi bạn phải phân tích các yếu tố liên quan, hiểu sự tương tác của chúng và tự đưa ra định nghĩa của riêng bạn thế nào là tốt, là xấu, tiêu chuẩn thế nào là liên quan hay không liên quan, ở mức độ nào là chấp nhận được hay không chấp nhận. Bạn bắt đầu đi vào vùng xám mơ hồ chứ không còn là trắng đen rõ ràng nữa, đó cũng là khi mức độ tư duy tăng lên.

Dĩ nhiên nếu không có kiến thức nền thì bạn không thể làm được những điều trên, cũng như kim tự tháp không có chân thì không thể xây cao hơn được (trừ khi nó bay). Hai mức độ “nhớ” và “hiểu” thường được yêu cầu ở bậc phổ thông, nhưng các bậc học sau đó thì yêu cầu cao hơn và nhờ vậy tư duy bạn sâu hơn. Mình biết đến cái tháp này khi thầy mình đưa ra yêu cầu cho bài luận cần nộp. Thầy nói sinh viên thường bị điểm không cao là do chỉ dừng lại ở mức Understanding (hiểu) hoặc Applying (áp dụng) mà quên mất bậc Master (Thạc sĩ) đòi hỏi cao hơn, thường là mức Analysing (phân tích) và Evaluating (đánh giá). Mức Creating (sáng tạo) là khi mình đưa ra được ý mới mà trước đó chưa từng có, cái này khó nên không bắt buộc, nhưng nhất định bài phải là ý tưởng cá nhân, có nêu quan điểm rõ ràng chứ không lập lờ bên nào em cũng muốn, lại càng không được sao chép ý tưởng của người khác, Plagiarism (đạo văn) bị phạt rất nặng. Ở Anh, bậc Master được xếp vào Level 7 tức là thứ 8 trên 9 cấp trình độ chuyên môn (vì có Entry level – nhập môn, lắm chuyện thật).

Khóa học của mình hoàn toàn đánh giá bằng coursework (bài luận, đồ án, mình không biết dịch chuẩn như thế nào) chứ không thi cử gì cả, và mình thích thế. Coursework làm cực hơn, phải ngồi xem cả đống tài liệu, phải chọn lọc, đáng giá cái nào đưa vào bài, phải nghĩ xem viết thế nào cho hợp lý mà ngắn gọn. Nó lại cực khó với đứa lười mà còn không biết gì như mình, nhưng mình vẫn thích hơn là học thi (giờ mới đầu năm nên mình nói vậy chứ có khi tới hạn nộp bài lại khác). Trong quá trình làm bài mình phải tự tìm hiểu, đọc thêm những thứ hoàn toàn mới, phải đi hỏi người khác khi quá bí, thử thách chính suy nghĩ của mình và bơi trong vùng xám đáng ghét đó, nhưng mình thấy nó hay. Bạn cứ thử đi, mình tin bạn cũng sẽ thấy nó thú vị.

À ừ bạn nói đúng. Nhiều câu hỏi trên là sự trộn lẫn của nhiều cấp bậc chứ không chỉ đúng thứ tự. Mình để đó để nhắc đến Crititcal thinking (người ta hay dịch là tư duy phản biện). Thầy mình bảo nó là khả năng đặt câu hỏi với cả những điều đang được xem là đúng (convention). Không phải câu hỏi nào cũng có giá trị như nhau. Để đặt được câu hỏi hay khó lắm, nó đòi hỏi bạn phải thực sự hiểu được gốc gác vấn đề vì sao mọi người cho nó là đúng, đồng thời tư duy ra ngoài khuôn khổ để nhìn nhận nó bằng những tiêu chí khác. Chúc bạn cuối tuần “xoắn não” với mớ tư duy này. Blooom!

=== Mình viết bài chỉ với lý do muốn chia sẻ cho những người cũng cần giống mình, và mình đang tập làm rõ vùng xám mờ mịt trong đầu.